Friday, September 18, 2020

Chia sẻ vui về "Công thức hôn nhân"

 Chào bạn,

Hôm nay ngày cuối tuần mình muốn tặng bạn một bài viết ngọt ngào về hôn nhân.

Mình đang trên chuyến xe đi dự lễ cưới của nhỏ em gái mình rất yêu quý. Bọn mình học cùng trường đại học, em ấy dưới mình một khoá. Sau đó bọn mình có duyên làm cùng công ty và ở cùng một mái nhà thuê ở Sài Gòn. Cả đám con gái ở cùng nhau chia sẻ đủ thứ ngọt bùi trên đời, tuy không gặp nhau 2 năm rồi, nhưng lúc nào mình cũng nhớ và mong em ấy có người đi cùng đến cuối đời. Và ngày đó cũng đã tới.

Mình đang suy nghĩ vài điều thú vị và muốn chia sẻ với mọi người về "công thức hôn nhân". Công thức này gói gọn ở ba đối số: sự phù hợp, sự thấu hiểu, sự chia sẻ.

Thứ nhất, 20% sự phù hợp. Thế nào là phù hợp? Mình xếp thành 2 loại phù hợp thói quen và lý tưởng sống. Thói quen được hình thành do môi trường bạn được sinh ra, được nuôi dưỡng và trưởng thành. Và chắc chắn rằng tìm một người phù hợp về ăn, mặc, ở, sinh hoạt giống y như mình thì như mò kim đáy bể, và nó chiếm một phần rất nhỏ trong công thức hôn nhân. Phù hợp về lý tưởng sống mới quan trọng, các lề lối đạo đức, các định hướng cho cuộc đời mới là cầu nối gắn kết đôi bạn đến cuối con đường.

Thứ hai, 40% thấu hiểu. Có hiểu mới có thương, đôi bạn phải hiểu được 80% sự không phù hợp của đối phương và chấp nhận nó. Chính sự thấu hiểu không phù hợp này sẽ làm nền tảng để nắm tay nhau vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Đó chính là sự đa dạng của cuộc sống mà bạn có thể học từ người bạn đời. Và việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, sẽ có lúc thất bại, bạn không thể nào thấu hiểu hoàn toàn. Khi đó lời khuyên là chấp nhận như chấp nhận ban ngày thì sáng và ban đêm thì tối. Mỗi chúng ta là một thực thể khác biệt, không lẫn vào đâu được, và coi nó như một sự bí ấn của tự nhiên. Chấp nhận và khám phá nó như một trò chơi, thắng không kêu, bại không nản.

Thứ ba, 40% sự chia sẻ. Chia sẻ một cách chân thật các vấn đề trong cuộc sống. Bạn chia sẻ thẳng thắn điều tốt lẫn điều xấu về con người mình, về cách nhìn nhận đối phương, về các quan điểm, các mối quan hệ xã hội. Chia sẻ chính là cho đi, và bạn cũng cần được nhận lại từ người bạn đời. Đó là cách học nhanh nhất từ cuộc sống, từ tất cả các mối quan hệ khác không chỉ trong hôn nhân. Hai người cộng lại có tới 120 năm cuộc đời. Bạn sẽ sống nhiều hơn 60 năm cuộc đời của chính mình. Hãy chia sẻ theo hướng tích cực và yêu thương với cả những người xung quanh bạn nữa nhé.

Chuyến xe cũng sắp đến nơi, tôi rất háo hức được ôm cô em bé nhỏ vào lòng chúc em hạnh phúc. Chúc các cặp đôi đã lựa chọn nhau sẽ có cuộc hôn nhân viên mãn. Chúc các bạn có cuối tuần ngọt ngào và ấm áp.


Nguyễn Thanh Phượng


Sunday, September 8, 2019

Chỉ cần yên lặng, sẽ bừng sáng lên

Dành một chút yên lặng cho một sáng chủ nhật, thời gian yên lặng thật quý biết bao nhiêu.Nhìn lại cuộc sống của mỗi người được có bao nhiêu thời gian trong yên lặng.


Yên lặng khác với im lặng. Chúng ta im lặng khi đang trong giờ học, đang ngủ, hoặc đang nghe một giai điệu hay. Nhưng khi yên lặng, ta chỉ có có ta thôi, có thân và tâm của ta. Khi ấy, ta cảm giác được hơi thở có dồn dập hay thong thả, có một chút khó chịu ở đầu, tay hay chân ... mà bình thường ta chẳng hề nhận ra, vì ta chẳng để tâm an trú. Tâm ta như con ngựa rong ruổi. Nó vướng vào một cái áo mới ở cửa tiệm mà ta định mua, nó vướng vào những lời nói ngon ngọt bùi tai của người tình, hay nó vướng vào nỗi sợ phải đối mặc với mớ rắc rối chưa giải quyết tại công ty. Những lúc ấy, chúng ta cần lắm yên lặng.


Có một ngày chủ nhật, mình quyết định cho mình thật nhiều yên lặng bằng cách tắt điện thoại di động. Đó là một ngày không có Facebook, không có Zalo, không có shopping online, không thèm nghe chút âm nhạc nào. Ngồi đong đưa trên chiếc võng cạnh bờ sông, gió nhè nhẹ luồn vào bàn chân trần mát rượi, tiếng gà gáy ở nhà hàng xóm, âm thanh của mấy con cá nhỏ ngoi lên mặt nước rồi bơi bơi nhè nhẹ. Mắt thì cay cay do khói bếp từ nồi cơm đang sôi của mẹ.


Ngày chủ nhật ấy, lòng yên đến lạ, nghe được hơi thở mát lúc hít vào và âm ấm khi thở ra. Những bước chân không thể nhẹ hơn, tuy cũng có lúc tâm ta dao động vì những sinh hoạt thường ngày, những câu chuyện mẹ kể. Nhưng rồi ta cũng nghe một cách chăm chú, quan sát thật kỹ hơi thở mình lúc ấy, có lúc dồn dập ở đoạn cao trào, hay một hơi dài khi đến đoạn bất như ý. 

Ngày hôm đó, cuộc sống mình tự động phong phú và rõ ràng nhất, tất cả như vạch rõ ra trước mắt, hiện tại ngay trước mắt. Chợt vỡ òa vì nhận được rất nhiều từ hiện tại. Thì ra từ "PRESENT", hiện tại cũng là món quà, chỉ khi ở hiện tại, người ta mới thật sự sống, mới thật sự bừng sáng rõ ràng. Muốn vậy, yên lặng là điều kiện cần, để ta nhận diện hiện tại rõ hơn, chân thật và sống động với cái tâm tham, sân, si. Nó cứ sinh rồi diệt một cách tự nhiên, mà không yên lặng ta khó có thể nhận ra được.

Yên lặng không thể thiếu trong cuộc sống này, yên lặng để trở về với chính mình, về với hiện tại, bớt rong ruổi ở quá khứ hay tương lai. Vì bởi lẽ, khi ấy ta dễ dàng nhận ra cái tâm ta đi chơi với thời gian, nó sẽ tự quay trở về khi được nhận diện. Nó là một trò chơi trốn tìm thú vị, chỉ khỉ yên lặng mới bừng sáng lên, ta dễ nhận ra tâm ta đang ở đâu trong cái luồng suy nghĩ xuyên không gian và thời gian đó. 

Tất cả như rõ ràng hơn, ta hiểu rõ ta hơn từ yên lặng, để thấy biết ta là nguồn cơn của tất cả vui, buồn, giận hờn, yêu thương, ích kỷ hay vị tha, bao dung.... Hãy cho mình món quà từ yên lặng vào mọi lúc, mọi nơi, để thấy mình thật rộng lớn mà cũng thật là nhỏ bé trong cuộc sống này, để ta yêu người và yêu đời hơn mỗi giây hiện tại.



Sunday, June 16, 2019

Mẹ và con cùng làm "món bánh cúng"



Từ hôm cúng tuần bà ngoại, mẹ có làm món bánh cúng bàn thờ ngoại mà trước đây mình chưa thấy mẹ làm bao giờ. Mẹ bảo là bánh cúng. Lúc trước, bà ngoại mong muốn con cháu cúng bà cỗ chay, không sát sinh các con vật tội nghiệp. Từ đó con cháu cúng tuần đều nấu món chay để tưởng nhớ bà.

Mẹ mình thì cũng bắt đầu gói thử món bánh cúng. Hôm nay, chủ nhật mẹ dạy mình gói thử, rất thú vị và cũng dễ làm. 





Bước thứ nhất, chuẩn bị dây và lá gói bánh. Mẹ dùng lá dừa non và dây làm từ bẹ lá chuối. Lá và dây phải chuẩn bị từ sáng sớm để lá và dây vừa héo một tí, sẽ dễ gói và đẹp hơn. Lá dừa non chọn lá vừa, không to quá cũng không nhỏ quá, bề rộng lá khoảng 2 ngón tay là vừa đẹp. Lá chuối lấy phần bẹ, dùng dao mỏng tước bẹ lá khoảng chừng rộng 5mm. Mẹ phơi trên hàng rào hoa dâm bụt trước nhà đến khi lá tóp lại thì mang vào chuẩn bị gói. Mẹ mình thì hay có thói quen tướt sẵn dây, nếu để lâu sợ dây giòn thì ngâm nước lại trước khi gói bánh là được. 




Bước thứ hai, ngâm nếp và đậu. Mẹ bảo để bánh ngon phải ngâm nếp từ đêm trước, cho hạt nếp nở ra, ngậm nước tròn đều, khi gói bánh sẽ mềm dẻo hơn. Đậu ngâm nước trước khi nấu chín sẽ mềm và bùi hơn. 

Bước thứ ba, xào nếp, đậu và nước cốt dừa. Mẹ bảo để bánh ngon hơn thì trộn nếp, đậu và nước cốt dừa để nếp và đậu ngấm nước cốt béo ngậy. Dừa cha trồng, mẹ chọn loại dừa khô, dày cơm, nên rất béo và thơm.



Bước thứ tư, gói bánh. Đây là công đoạn vui nhất và mình cũng thích chơi nhất. Từng cái từng cái một, mỗi lúc mỗi đẹp hơn. Bong lá gói bánh không dài quá sẽ bị rơi nếp, nếu ngắn quá bánh sẽ không đẹp. Cột vừa tay, nếu lỏng quá bánh không chặt, chặt quá dễ bị nín nếp, không chín đều. Công đoạn này mẹ thì nhanh thoăn thoắt, mình thì hì hụt, hì hụt. Nhưng nhìn lại bánh thì cảm thấy mình thật tài năng. Mình cũng có thể làm được và rất tốt. 




Bước thứ năm, hấp bánh. Bánh hấp bằng bếp củi, hai mẹ con hì hụt thổi lửa, vì ngày mưa, gió nhiều và bếp ẩm khó cháy. Nước đổ ngập hết bánh, khi nấu không đổ nước thêm. Thích cảm giác ngồi chụm bếp, chờ ăn thử cái bánh chín đầu tiên. Cảm giác hồi hộp và rất thú vị.



Bước cuối cùng, ăn bánh. Mẹ canh bánh vừa chín tới lấy ngay một cái, hai mẹ con vừa ăn vừa tấm tắc tự khen. Bánh thật ngon, thật béo, thật bùi, bánh gói thật đẹp. 


Một ngày chủ nhật nhẹ nhàng trôi qua với người tình trăm năm như thế đó. Mẹ con cùng làm cùng kể nhau nghe chuyện một tuần làm việc của con, một tuần ở nhà của mẹ, bạn bè của con và ký ức ngày xưa của mẹ.



Mỗi ngày mỗi ngày qua, tóc mẹ bạc thêm nhiều, mắt con cũng bớt trong veo vì bụi đời. Nhưng người tình con mãi yêu vẫn là mẹ, mẹ mãi mãi là người tình số một, không thể thay thế. Tóc mẹ dẫu bạc thêm, mắt mẹ dẫu nhiều vết chân chim nhưng mẹ mãi đẹp, "mãi yêu".


Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ nhé! 



Sunday, May 5, 2019

Ý nghĩa câu chuyện - Thiên sứ bán "hạt giống"


Một người phụ nữ mơ thấy mình vào một cửa hàng bán hạt giống mà người bán hàng là một vị thiên sứ.
- Xin hỏi ông bán cái gì đấy?
- Tôi bán những gì trong lòng bà muốn.
Bà ta hớn hở:
- Tôi muốn mua bình an, tình yêu, vui vẻ, trí tuệ và sức khỏe. Giờ có hàng không?
Thiên sứ trả lời:
- Thưa bà, tôi nghĩ bà hiểu sai rồi, ở đây tôi không bán quả, mà chỉ bán "hạt giống" thôi.

Chúng ta thường giống người phụ nữ trong câu chuyện, ai cũng mong bình an, vui vẻ, trí tuệ, sức khỏe. Nếu có thể mua được, người ta có thể mua bằng mọi giá. Nhưng không may, chúng đều là "quả", không phải là "hạt giống", không tự thân có sẵn.


Quả "bình an", quan niệm bình an ở đây nghĩa là không gặp những biến cố lớn, những rắc rối, những mất mác, và mọi việc đều yên ổn. Tuy nhiên, biến cố trong cuộc sống là điều không tránh khỏi, nên người ta cứ mong muốn bình an, muốn mua được bình an. Vậy hạt giống của quả bình an là gì? Là chân thật. Khi nói lời dối trá, suy nghĩ gian dối, bạn đã đánh mất bình an, quả của sự dối trá là BẤT AN. Còn khi nói lời chân thật, cho đi sự chân thật, trong tâm không mảy mai một hạt cát nào. Và người chân thật luôn tin tưởng chính mình, tin tưởng và điều tốt đẹp. Đó chính là hạt giống của BÌNH AN.

Quả "vui vẻ". Hạt giống là BIẾT ĐỦ. Người biết đủ, lúc nào cũng cảm thấy hài lòng về cuộc sống, không tham lam hay mong cầu gì của người khác, trân trọng những điều hiện tại đến với mình. Khi có tiền nhiều hay có tiền ít, người biết đủ đều không tham hơn. Nhưng họ không lười biếng, họ chăm chỉ phấn đấu cho mình và cho người khác. Và đặc biệt, trong bất kỳ mọi hoàn cảnh, họ đều muốn cho đi, vì với họ lúc nào họ cũng đầy đủ và sẵn sàng chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.



Quả "trí tuệ". Hạt giống là KHIÊM TỐN. Người khiêm tốn sẽ học được nhiều. Kẻ kiêu ngạo dù giỏi đến mấy cũng là ngu ngốc. Cái cốc đầy sẽ chẳng chứa được thêm gì. Những điều trong cuộc sống chẳng bao giờ ta có thể hiểu được hết. Con người tài giỏi đến đâu cũng không thể biết trước được một giây sau chuyện gì sẽ đến với mình, nên học từ mình, từ bạn bè, từ gia đình, từ những người xung quanh, từ những điều tự nhiên. Và hãy học như một đứa trẻ, không phán xét, xóa hết cái đã biết, học như tờ giấy trắng, điều bạn học được sẽ trọn vẹn.



Quả "sức khỏe". Hạt giống là THÓI QUEN. Thói quen ăn uống điều độ, thể dục thể thao, sinh hoạt lành mạnh ... sức khỏe tốt là của bạn. Con người là nô lệ của thói quen. Hãy là nô lệ của thói quen tốt. Các cuộc vui chóng vánh hào nhoáng của thời đại này đã lấy mất sức khỏe của nhiều người. Bia rượu, tiệc tùng thâu đêm, đam mê các món ăn đầy rẫy hóa chất độc hại. Các bệnh lạ xuất hiện, rồi con người lại mong cầu sức khỏe. Do vậy, ngay từ bây giờ, hãy trân trọng cơ thể mình và lắng nghe nó nhiều hơn. Nếu mắt đang mỏi hãy chợp mắt, nếu chân đang mỏi, hãy xoa nó, lắng nghe từng hơi thở, lắng nghe tim, có thể chúng đang bắt đầu biểu tình rồi đấy.

Quả "tình yêu". Ai cũng muốn được yêu thương, được mọi người xung quanh gia đình, bạn bè và bạn đời yêu thương. Nhưng hạt giống của tình yêu đó, cũng là "tình yêu". Yêu từ những điều nhỏ nhoi nhất, vì vốn dĩ mọi thứ đều đáng yêu theo cách riêng. Đừng vì yêu nắng mà ghét những cơn mưa. Mưa cũng long lanh và đẹp trong veo đấy thôi. Yêu một người đang quăng cả sự tức giận vào bạn, vì họ đang tổn thương đấy thôi. Họ đáng thương nhiều hơn, vì một giây bạn buồn phiền, là mất đi một giây hạnh phúc rồi còn gì. Hãy để thời gian cho những điều tốt đẹp.

Vậy đó bạn, cuộc sống ai cũng muốn quả bình an, vui vẻ, trí tuệ, sức khỏe, tình yêu. Thì hãy gieo hạt giống ngay từ bây giờ, mỗi hạt giống sẽ sinh sôi nãy nở, hãy chăm sóc khu vườn tâm ấy, quả ngọt sẽ là của bạn. 

Chúc bạn có một cuối tuần vui bên người thân. 

Nguyễn Thanh Phượng

Sunday, April 7, 2019

Mùa gặt xưa và nay


Chào bạn,

Vốn sinh ra là con gái người nông dân, quen dần với những mùa gặt lúa. Bạn biết không, đó là khi người nông dân hân hoan với thành quả của mình. Còn trẻ nhỏ cũng hân hoan với các trò chơi bên đống rơm của chúng. Tôi kể bạn nghe dưới đây một số kỷ niệm mùa gặt ở quê tôi. 



Đó là khoảng thời gian tôi học cấp hai, tôi được tham gia mùa gặt cùng gia đình vào dịp nghỉ hè với vai trò hứng lúa bên cái máy tuốt lúa truyền thống. Một máy tuốt thường cần khoảng 7 đến 8 người gồm 2 người ôm bó lúa, 1 người bỏ lúa vào máy, 2 người hứng lúa, 1 người cột bao, 2 người vác bao. Còn cắt lúa thì có một nhóm những người gặt tay đi cắt thuê cho các cánh đồng lân cận. Họ làm theo mùa vụ, hết cánh đồng này, đến cánh đồng khác. Mỗi nơi họ ở vài tuần rồi đi.




Ngày nay mùa gặt đã thay đổi nhiều, do máy móc đã dần thay cho con người, mùa gặt bớt nhộn nhịp hơn nhiều, đống rơm cũng không còn để bọn trẻ chơi trốn tìm. Thay vào đó là máy gặt đập liên hợp, chỉ cần một người lái, một người hứng lúa, một người buột là cắt hết cả cánh đồng lớn trong ngày. Làm nông cũng bớt vất vả hơn nhiều, nông dân cũng tham gia hợp tác xã, thương lái dễ mua, nông dân cũng dễ bán. Mùa gặt thảnh thơi hơn, rơm cũng không chất đống để bọn trẻ chơi đùa. Thế nên thời 8x như chúng tôi không còn được thấy đống rơm ngày trước nữa.



Còn cha mẹ mình chắc họ cũng nhớ mùa gặt của ngày xưa. Mẹ kể trước kia còn chưa có máy tuốt, lúa cắt phơi trên đồng, rồi xúm nhau đập lấy hạt, rồi ngoại lấy cái chiếu ra đồng để quạt (còn gọi là dê lúa). Trai gái trong làng được dịp hò đối đáp, có nhiều mối duyên họ tìm thấy nhau và về chung một nhà sau mùa gặt. Lúa đem về nhà đổ đầy bồ (được đang từ tre và lá dừa nước), người ta lấy gạo bằng cách đem lúa vào cối giã. Mình nhớ thuở nhỏ có từng thấy cái cối đá ấy. Cái cối đá phi thường nuôi cả chín anh chị em của mẹ.



Mùa gặt này, mình được trải nghiệm gặt lúa cùng cha mẹ trên cánh đồng nhỏ. Tự tay cầm cái liềm cắt lúa, mồ hôi nhễ nhại như mưa, mình càng cảm thấy thấm thía được nỗi vất vả của người trồng lúa. Để có được hạt gạo là cả quá trình gian nan. Ngẫm nghĩ, nếu ai cũng trải nghiệm trồng lúa, chắc hẳn sẽ không ai để phí hạt cơm nào. Như mẹ mình hay bảo khi ăn cơm mà bỏ sót hạt cơm trong chén là tội rất lớn. Khi ấy còn nhỏ, chưa hiểu tường tận ý mẹ. Giờ mới biết, tội lớn đó là với thiên nhiên, với cây lúa, với tổ tiên người trồng lúa, tội với những người nghèo khó không đủ cơm ăn ...


Trên đường về nhà tự dưng nhớ lại hai câu thơ ngày bé hay đọc:

Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Bữa cơm chiều nay, thấy đắng cay, thấy mặn mồ hôi, thấy ngọt công chăm chỉ, thấy tự hào và hãnh diện vì là con gái nhà nông. Cảm ơn vũ trụ đã ban điều này cho tôi, để tôi thêm tình thương yêu cho mỗi bữa cơm. Hy vọng mọi người đều có thể trải nghiệm điều này để bữa cơm nhà nhà thêm ấp áp và an vui.

Nguyễn Thanh Phượng 

Sunday, March 3, 2019

Rửa tràm


Chào bạn,

Hôm nay cuối tuần bạn làm gì? Đi đâu? Với ai?
Ngày cuối tuần hàng tuần mọi người ưu tiên cho việc nghỉ ngơi tại nhà sau một tuần làm việc mệt mỏi. Hoặc một chuyến đi gần nào đó đến một địa điểm vui chơi, thưởng thức một vài món ngon tại đó. Có thể đi cùng gia đình hoặc bạn bè. Hôm nay cũng vào dịp cuối tuần, mình có một kế hoạch rất hay để hòa mình về với thiên nhiên, với nắng gió và cây cối cùng với gia đình.



Ở một vùng nông thôn, có một ngôi nhà nhỏ đang nghi ngút khói bếp. Người mẹ quê đã thức từ sớm chuẩn bị bữa cơm đạm bạc với cá và rau đồng. Những người khác cũng bắt đầu dậy khi mùi thơm từ nồi cơm mẹ đang xới. Cả nhà quây quần bên mâm cơm nóng hổi nói nói cười cười rôm rả cả góc nhà nhỏ. Tiếng ghe xuồng trên sông cũng bắt đầu khua, người người cũng thi nhau ra đồng cho kịp trước khi nắng lên.


Cả nhà mình cũng bắt đầu ra vườn, đó là vườn tràm vừa được trồng từ mùa mưa năm trước. Cây tràm đã cao được tầm 1 mét, có cây khỏe hơn cao bằng người. Nhà mình đi rửa tràm (đó là việc tỉa bớt các nhánh con để cây vươn thẳng và mau lớn). Việc rửa tràm đặc biệt thú vị với mình, nó như việc mình hay tỉa và cắm hoa, nhưng lần này mình làm với cây tràm. Cây tràm thân khẳng khiu đong đưa lá nhỏ, nó có vẻ đẹp mộc mạc, giản dị như những đứa trẻ đang lớn.


Không khí trên vườn mát mẻ, dưới mương cá lội, thi thoảng lại ngoi lên xem người ta làm vườn. Khắp nơi nào rau dịu đất, rau muống, bông súng, ... toàn rau tự nhiên khó mua được ở thị thành. Thời này người ta chuộng rau chợ, những đứa trẻ thế kỷ 21 ít đứa nào biết ăn các loại rau đồng, rau dại. Vì người ta càng ngày càng đô thị hóa, bê tông hóa, rau quả sạch mang tiếng nhà kín, thủy canh nhưng thực chất yếu đuối và không mang tinh hoa của đất trời. Thế nên một góc vườn nhỏ rau tự nhiên ngày một khó tìm. Và nhà mình đang giàu có vì sỡ hữu nó.



Trên mảnh vườn nhỏ ấy cũng rôm rả nói nói cười cười. Rồi nắng cũng lên trên đỉnh ngọn tràm. Cả nhà ngưng tay, cha đi gom mấy em cá ham chơi mắc vào lưới, nhổ ít ngó sen. Mẹ và mình cũng hái ít rau dịu đắt, hái ít gương sen...



Về nhà có món canh chua ngó sen cá lóc đồng, rau dịu đất luộc. Gian nhà nhỏ vùng nông lại nghi ngút khói bếp, cả nhà lại quây quần rôm rả nói cười. Câu chuyện về những cây tràm đang lớn, chuyện trồng thêm bông súng, nuôi thêm cá trên vườn tràm ...

A Sửu , A Sửu
Đừng đi chơi xa,
Đợi mẹ hái rau,
Đợi cha bắt cá,
Cùng nhau về nhà.
Cười ha ha ha!


Monday, February 4, 2019

Kệ Tết!


Chào Tết,


Tớ nhớ không sai, cũng mới gần đây thôi là Tết có ghé ngang nhà tớ, lúc ấy mai cũng nở nhiều như bây giờ, mọi người lại tất bật sửa soạn lại nhà cửa. Mấy đứa bạn trong xóm tớ đi làm xa quê, tụi nó lại về, đi ngoài đường đông nghẹt người đi, người về mang theo chậu mai nhỏ, hay món quà gì đó từ phương xa. Cứ vào thời điểm này, xóm tớ lại đông như trẩy hội. Vậy mà, mới đây thôi, mà đã một năm rồi, Tết lại sắp đến à Tết? Tớ có một vài điều muốn nói với Tết đây nhé!






Tớ không mong Tết đâu nhé! Tết năm nay tớ cũng chở mẹ đi chợ Tết, một năm qua tớ dành thời gian bên mẹ nhiều nhất trong vòng 15 năm trở lại đây, và năm nào tớ cũng chở mẹ đi sắm Tết. Mấy năm trước mẹ chủ động chọn hàng, quyết định, mẹ tớ nhanh thoăn thoắt mua các thứ rau củ, thịt, vật dụng trang trí ngày Tết. Nhưng năm nay, mẹ đi chậm lại rồi, cũng không nhanh nhẹn chọn hàng, mẹ lại quên nhiều thứ lúc đầu mẹ định mua. Tết biết không, lúc đấy tớ thấy mình bực bội, vì giận Tết đã lấy dần sự trẻ trung, nhanh nhạy của mẹ khi năm nào Tết cũng đến và đem thanh xuân của mẹ đi. 



Thêm nữa, Tết làm tớ nhớ Tết xưa, thông thường, không ai mang ảnh cũ ra xem, không ai kể lại chuyện cũ cho con cháu nghe nhiều như khi Tết đến. Cha kể chuyện hồi xưa làm nông với ông nội vất vả thế nào, chuyện cha còn đi làm ở đơn vị cũ, mẹ và chị hai vất vả ở nhà. Chuyện hồi đó đánh giặc, rồi gánh hát ghé làng, chuyện khai hoang, chuyện cha gặp mẹ, chuyện hai người cưới nhau khi còn chưa nhìn rõ mặt nhau. Tết ngồi nghe chuyện xưa mà không chán, tớ biết có Tết xưa mới có Tết nay, nên quý Tết xưa lắm lắm, và cũng nhớ Tết xưa nhiều, vì sẽ chẳng bao giờ gặp lại lần thứ hai.





Tết làm tớ cảm thấy may mắn, vì tớ lại được đón thêm một Tết ấm áp với gia đình. Tết biết không, trong một năm qua, tớ chứng kiến những gia đình xung quanh đã không còn trọn vẹn, có người mất đi người thân, có người mất sức khỏe, có những người do tại nạn phải mất đi một chân, còn có cảnh kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh. Đối với tớ, gia đình là hai tiếng rất thiêng liêng và may mắn vì còn trọn vẹn. Mâm cơm cuối năm có đầy đủ các thành viên, cha mẹ, anh chị em, con cháu. Mâm cơm đơn sơ, mộc mạc mà ấm cúng, chan hòa. Mặc dù cũng có nhiều tranh cãi thường ngày, nhưng Tết thì chả nhớ gì, chỉ thấy thương nhau nhiều hơn.


Nhưng Tết à, mặc dù không mong Tết hay kệ Tết, nhớ Tết hay mong chờ Tết thì Tết vẫn đến như mọi năm. Tết vẫn mang nhiều mong đợi cho nhân gian. Dù sao con người vẫn tham lam, cầu mong cái tốt sẽ đến, không ai muốn chấp nhận cái xấu đến với mình. Mọi lời chúc tốt đẹp trao nhau dịp đầu năm và cũng cần nổ lực để đạt được những điều ấy. Hoa không tự nhiên nở nếu thiếu nắng. Con người có quyền chọn những điều tốt đẹp và hãy làm những điều tốt đẹp, hoa thơm trái ngọt sẽ có.



Vốn bản tính tham lam tự nhiên, tớ cũng chọn niềm vui, cuộc sống và những điều tốt đẹp cho năm Kỷ Hợi 2019 này.  Tết cũng mang điều đó cho những ai mong cầu và hành động vì điều đó nhé Tết!

Nguyễn Thanh Phượng