Sunday, April 7, 2019

Mùa gặt xưa và nay


Chào bạn,

Vốn sinh ra là con gái người nông dân, quen dần với những mùa gặt lúa. Bạn biết không, đó là khi người nông dân hân hoan với thành quả của mình. Còn trẻ nhỏ cũng hân hoan với các trò chơi bên đống rơm của chúng. Tôi kể bạn nghe dưới đây một số kỷ niệm mùa gặt ở quê tôi. 



Đó là khoảng thời gian tôi học cấp hai, tôi được tham gia mùa gặt cùng gia đình vào dịp nghỉ hè với vai trò hứng lúa bên cái máy tuốt lúa truyền thống. Một máy tuốt thường cần khoảng 7 đến 8 người gồm 2 người ôm bó lúa, 1 người bỏ lúa vào máy, 2 người hứng lúa, 1 người cột bao, 2 người vác bao. Còn cắt lúa thì có một nhóm những người gặt tay đi cắt thuê cho các cánh đồng lân cận. Họ làm theo mùa vụ, hết cánh đồng này, đến cánh đồng khác. Mỗi nơi họ ở vài tuần rồi đi.




Ngày nay mùa gặt đã thay đổi nhiều, do máy móc đã dần thay cho con người, mùa gặt bớt nhộn nhịp hơn nhiều, đống rơm cũng không còn để bọn trẻ chơi trốn tìm. Thay vào đó là máy gặt đập liên hợp, chỉ cần một người lái, một người hứng lúa, một người buột là cắt hết cả cánh đồng lớn trong ngày. Làm nông cũng bớt vất vả hơn nhiều, nông dân cũng tham gia hợp tác xã, thương lái dễ mua, nông dân cũng dễ bán. Mùa gặt thảnh thơi hơn, rơm cũng không chất đống để bọn trẻ chơi đùa. Thế nên thời 8x như chúng tôi không còn được thấy đống rơm ngày trước nữa.



Còn cha mẹ mình chắc họ cũng nhớ mùa gặt của ngày xưa. Mẹ kể trước kia còn chưa có máy tuốt, lúa cắt phơi trên đồng, rồi xúm nhau đập lấy hạt, rồi ngoại lấy cái chiếu ra đồng để quạt (còn gọi là dê lúa). Trai gái trong làng được dịp hò đối đáp, có nhiều mối duyên họ tìm thấy nhau và về chung một nhà sau mùa gặt. Lúa đem về nhà đổ đầy bồ (được đang từ tre và lá dừa nước), người ta lấy gạo bằng cách đem lúa vào cối giã. Mình nhớ thuở nhỏ có từng thấy cái cối đá ấy. Cái cối đá phi thường nuôi cả chín anh chị em của mẹ.



Mùa gặt này, mình được trải nghiệm gặt lúa cùng cha mẹ trên cánh đồng nhỏ. Tự tay cầm cái liềm cắt lúa, mồ hôi nhễ nhại như mưa, mình càng cảm thấy thấm thía được nỗi vất vả của người trồng lúa. Để có được hạt gạo là cả quá trình gian nan. Ngẫm nghĩ, nếu ai cũng trải nghiệm trồng lúa, chắc hẳn sẽ không ai để phí hạt cơm nào. Như mẹ mình hay bảo khi ăn cơm mà bỏ sót hạt cơm trong chén là tội rất lớn. Khi ấy còn nhỏ, chưa hiểu tường tận ý mẹ. Giờ mới biết, tội lớn đó là với thiên nhiên, với cây lúa, với tổ tiên người trồng lúa, tội với những người nghèo khó không đủ cơm ăn ...


Trên đường về nhà tự dưng nhớ lại hai câu thơ ngày bé hay đọc:

Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Bữa cơm chiều nay, thấy đắng cay, thấy mặn mồ hôi, thấy ngọt công chăm chỉ, thấy tự hào và hãnh diện vì là con gái nhà nông. Cảm ơn vũ trụ đã ban điều này cho tôi, để tôi thêm tình thương yêu cho mỗi bữa cơm. Hy vọng mọi người đều có thể trải nghiệm điều này để bữa cơm nhà nhà thêm ấp áp và an vui.

Nguyễn Thanh Phượng